Tăng huyết áp không còn là bệnh của người cao tuổi

Tăng huyết áp đang trở thành 1 vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng trong cộng đồng. Bởi theo những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 2 người trưởng thành sẽ có 1 người bị tăng huyết áp, nam nhiều hơn nữ và thành thị cao hơn nông thôn. Điều đáng lo là căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, những người trên 25 tuổi mắc bệnh chiếm tới 47.3%.

Tăng huyết áp không còn là bệnh của người cao tuổi

Hiện nay bệnh tăng huyết áp cũng như một số bệnh tưởng như là “độc quyền” ở người cao tuổi đang tấn công giới trẻ, thậm chí cả trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh cao huyết áp là 1 trong 10 bệnh nguy hiểm. Huyết áp tăng cao đột ngột có thể làm đứt mạch máu não gây xuất huyết não, đột quỵ, suy tim cấp, phù phổi cấp… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, thậm chí có thể làm giảm từ 10 - 20 tuổi thọ.


Tại Việt Nam, các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47.3% (gần 20.8 triệu bệnh nhân), tỷ lệ huyết áp cao giữa nam và nữ là 56.4% và 42.6%.

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Các yếu tố, nguy cơ dẫn đến sự gia tăng của tăng huyết áp, đặc biệt là ở giới trẻ thường là do những thói quen ăn uống, sinh hoạt không tốt như: Ăn mặn, ăn nhiều thịt, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng, lười vận động, thức khuya … Khi bệnh tăng huyết áp kết hợp với các bệnh lý như béo phì, mỡ máu… thì bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.

Kiểm soát huyết áp ngay từ đầu

Tăng huyết áp vẫn thường được biết đến là kẻ giết người thầm lặng bởi người bệnh không có biểu hiện cụ thể và việc phát hiện muộn sẽ làm tăng các biến chứng như: Suy tim, động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận và các biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch chủ có thể dẫn đến tử vong. Vậy thì nên làm sao với căn bệnh này?


Thật ra bệnh huyết áp cao cũng không quá phức tạp nếu người bệnh biết kiểm soát nó ngay từ những ngày đầu. Khi chẩn đoán tăng huyết áp đã được khẳng định, người bệnh cần ý thức được việc thay đổi các thói quen lối sống không tốt và kiểm soát tốt huyết áp ngay từ giai đoạn đầu với sự hỗ trợ của bác sĩ.


Huyết áp cao là căn bệnh một khi đã mắc phải sẽ song hành với chúng ta suốt cả đời nên mục tiêu điều trị chỉ là để kéo dài tuổi thọ và tránh biến chứng đối với các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt.

Chúng ta có thể chủ động trong việc kiểm soát huyết áp của mình. Mỗi gia đình nên có một máy đo huyết áp điện tử, đây là loại máy dễ sử dụng, huyết áp cao khi chỉ số huyết áp tối đa >140 mmHg và hoặc huyết áp tối thiểu >90 mmHg. 

Vào mùa hè thời tiết nóng bức, mồ hôi bài tiết nhiều, quá trình trao đổi chất của cơ thể được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, điều này rất dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não. Lúc này huyết áp cũng có thể tăng lên, nhưng thường ở mức từ 130 - 140 mmHg lên 150 - 160 mmHg. Nếu người bệnh không dùng thuốc thì huyết áp có thể lên tới 180 - 200 mm Hg, rất nguy hiểm.


Các chuyên gia khuyến cáo rằng: Để phòng ngừa cũng như hạn chế tác hại từ tăng huyết áp bạn nên đo huyết áp định kỳ trong ngày, có chế độ dinh dưỡng khoa học, không ăn mặn, giảm các loại thực phẩm có axit béo, mỡ động vật, hạn chế rượu bia, tập thể dục mỗi ngày. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh nếu có.

Dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp

Tuy không có biểu hiện rõ ràng nhưng những người bị huyết áp cao cho biết họ thường có những triệu chứng sau:
  • Choáng váng, nhức đầu
  • Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
  • Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp.
  • Đỏ mặt, buồn nôn, vã mồ hôi.
  • Chân tay lạnh, mất ngủ, gặp vấn đề về tầm nhìn
Nếu bạn có các dấu hiệu kể trên, cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Bình Luận

Back To Top